1157 Lượt xem

Quảng bá tranh dân gian Sình và hoa giấy Thanh Tiên

hoa-giay-thanh-tien-hue

Quảng bá thương hiệu làng nghề tranh dân gian Sình và hoa giấy Thanh Tiên

Hiện việc nghiên cứu thiết kế, quảng bá nhận diện thương hiệu làng nghề truyền thống đã được nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ ở Huế quan tâm, ứng dụng, thực hiện.

Tại 2 làng hoa giấy Thanh Tiên và làng tranh Sình ở Huế đã có những thiết kế, quảng bá nhận diện thương hiệu ban đầu thành công, góp phần thu hút được một phần nguồn du khách với các cơ hội phát triển làng nghề phục vụ nhu cầu du lịch. Thực tế cho thấy, thiết kế và quảng bá nhận diện thương hiệu rất được du khách nước ngoài quan tâm.

Tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên là những sản phẩm văn hóa làng nghề đã trải qua hơn 400 năm tồn tại, góp phần tạo nên những giá trị mỹ thuật dân gian truyền thống xứ Huế quý giá. Tuy nhiên, cùng với thời gian và những đổi thay của xã hội, nhiều giá trị của tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên đang dần bị phôi pha, biến dạng. Quảng bá sản phẩm tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên được coi là cần thiết của tiến trình đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng này ra xã hội rộng lớn hơn và tạo ra những bước chuyển của một hình ảnh sản phẩm văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần của người dân Huế và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc thù của tranh dân gian làng Sình là cúng xong phải đốt (hóa), khác với hoa giấy Thanh Tiên là cúng xong được để mãi cho đến cuối năm. Chính vì vậy, phải tạo ra những hình thức quảng bá phù hợp không chỉ thỏa mãn tâm lý khách hàng, người mua sản phẩm mà cả những người tiếp cận văn hóa từ góc độ thuần túy chỉ là văn hóa, du lịch. Do vậy, thiết kế phải tôn trọng niềm tin tâm linh của người dân, phải làm cho mỗi hình ảnh thiết kế tỏa sáng được những giá trị tâm linh cùng với những giá trị văn hóa và nhân văn, tạo cho hình tượng sản phẩm quảng bá vừa có tính chất đại chúng, chung nhất vừa phải có nét riêng, yêu tố thẩm mỹ riêng của xứ Huế.

Những cuộc thi thiết kế hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ của Thừa Thiên Huế vừa qua ngày càng xuất hiện nhiều hơn dấu ấn của hoa giấy Thanh Tiên và tranh dân gian làng Sình. Khác với thông lệ, sản phẩm dự thi không chỉ do các nghệ nhân, các thợ ở các làng nghề sáng tạo và tham gia mà còn có sự tham gia của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các nghệ sĩ trẻ và cả sinh viên, học sinh. Năm 2014, giảng viên – họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Trà đã tiếp dẫn hình ảnh Bát Âm của tranh dân gian làng Sình để thiết kế hình ảnh trong sản phẩm đèn giấy (giải nhì cuộc thi thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm Huế 2014). Sản phẩm này đã đứng được trên thị trường và tác giả mở rộng sản xuất, tạo nên hàng trăm mẫu mới, đa dạng hơn.

Thành công của Nguyễn Thị Thanh Trà đã tạo nên “cú hích” cho sinh viên tiếp tục nghiên cứu, thiết kế ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác có xu hướng nghệ thuật chủ đạo trong thiết kế hình tượng cho các sản phẩm hàng lưu niệm. Có những sinh viên đã thực hiện tốt việc chắt lọc hình ảnh làng Sình để tạo ra sản phẩm mang bản sắc Huế đậm nét. Đáng chú ý là các poster của sinh viên Nguyễn Thị Hiền Trung và sinh viên Đặng Thiên Hà và bộ thiết kế bìa, trang nội dung của nhóm sinh viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng đã có nhiều gợi mở tích cực cho quảng bá tranh dân gian làng Sình.

Việc vận động sinh viên tham gia các hoạt động quảng bá về làng tranh dân gian Sình, hoa giấy Thanh Tiên và hướng dẫn thực tế qua các bài học chính khóa, cũng như các tiết học ngoài giờ đã cho thấy sinh viên rất hào hứng khi trực tiếp nghiên cứu, tiếp cận những giá trị văn hóa tâm linh của 2 làng nghề. Chính sinh viên đã chọn cho mình những hình ảnh, cách thức và phương pháp nghiên cứu tốt nhất để thực hiện bài học chính khóa và bài nghiên cứu ngoại khóa. Qua đó, các em hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa làng nghề nói riêng, có được những cảm nhận sâu sắc về một giá trị văn hóa nghệ thuật in đậm yếu tố tâm linh của một dòng tranh dân gian trên xứ Huế, cũng như một làng nghề hoa giấy đặc trưng nơi đây.

Việc thiết kế brochure chung cho cả hai làng nghề, bao gồm hình ảnh, chú giải, hướng dẫn, địa chỉ và nêu những đặc điểm chung của mỗi làng nghề làm hoa giấy và in tranh thờ cúng được thử nghiệm phát miễn phí tại làng Sình trong vài tuần đã hết 500 bản, đa phần du khách đến tham quan làng Sình đều muốn lưu giữ một bản brochure quảng bá này, qua đó họ còn biết và được hướng dẫn đến tham quan làng hoa giấy Thanh Tiên chỉ cách làng Sình 1km.

Tương tự, khi đặt các brochure miễn phí tại làng hoa giấy Thanh Tiên, thì chỉ trong một tuần toàn bộ 500 bản brochure được du khách dùng và tất nhiên trong đó cũng có phần quảng bá về làng Sình, cách làng Thanh Tiên 1km. Việc sử dụng brochure là khá hiệu quả, mang đến hình ảnh thị giác cũng như tín hiệu đến người tham quan và du khách một cách nhanh nhất, hình thức này được coi là thành công, được du khách hào hứng tiếp nhận và thích thú lưu giữ, riêng đoàn du khách Hoa Kỳ Lycoming College đến thăm làng Sình gồm 50 du khách, đã sử dụng hết cả 50 bản brochure và họ nói rằng sẽ coi đó là một vật lưu niệm ý nghĩa khi mang về quê hương.

Quảng bá cần góp phần vào việc thông tin văn hóa – lịch sử cho địa phương, đó là những thông tin làm nền tảng cho quảng bá thương hiệu, là cơ sở lịch sử của truyền thống về hai làng nghề, qua các hình thức quảng bá, du khách hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa truyền thống ở Thừa Thiên Huế.


Bình luân với mạng xã hội