Cuốn sách Nam Phương – hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang vừa ra mắt độc giả chứa đựng nhiều tư liệu còn ít được biết đến về con người và cuộc đời Nam Phương hoàng hậu.
Được sự đồng ý của NXB Thế giới và Saigon Books, Zing.vn trích đăng một số phần trong cuốn sách, chia sẻ với độc giả cái nhìn đa chiều về hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Nhiều tài liệu khẳng định, trên chiếc tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime đưa cô Nguyễn Hữu Thị Lan về nước có sự hiện diện của vị vua trẻ Bảo Đại, người cũng vừa kết thúc chương trình du học ở Pháp và quay lại Việt Nam để đảm nhận việc cai trị dưới sự bảo hộ của người Pháp. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định chắc chắn rằng liệu hai người có từng gặp nhau trên chuyến tàu này hay không.
Cũng có tài liệu kể rằng, thật ra hai người đã gặp nhau từ trước, khi còn đang du học ở bên Pháp. Chuyện là tại Pháp, gia đình Denis Lê Phát An, cậu của Thị Lan, thường xuyên tổ chức những buổi tiệc sang trọng và mời nhiều quan khách danh giá đến tham dự, trong đó có vợ chồng toàn quyền Pasquier và vợ chồng cựu Khâm sứ Charles, cha mẹ nuôi của Bảo Đại.
Có một vài lần, họ cũng đưa Bảo Đại đi cùng và nhiều khả năng là vị vua này đã gặp hoàng hậu tương lai của mình trong những dịp như vậy. Tuy nhiên, do được cha mẹ nuôi dặn dò phải giữ gìn tác phong của một vị vua, nên Bảo Đại chưa bao giờ dám tự do quá mức mà buông lời tán tỉnh cháu gái của gia chủ.
Cô gái xinh đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan sau này trở thành Nam Phương hoàng hậu. |
Đến khi về nước, cơ duyên (hay sự sắp đặt?) đã khiến Bảo Đại có cơ hội được gặp lại cô gái miền Nam mang tên Nguyễn Hữu Thị Lan. Trong những tháng hè, Bảo Đại thường được vợ chồng cựu Khâm sứ Charles đưa lên Đà Lạt chơi, trong khi Thị Lan cũng đang nghỉ mát ở đây, trong những căn biệt thự sang trọng mà gia đình đã mua. Thỉnh thoảng, vợ chồng cựu Khâm sứ lại mời gia đình họ Lê cùng cháu gái đến chơi quần vợt. Nhờ đó mà Bảo Đại có dịp so tài với Thị Lan trên sân quần vợt và chính những lần gặp gỡ này đã làm cho con tim Bảo Đại rung động. Ngoài ra, hai người còn sánh bước bên nhau trong nhiều buổi dạ tiệc.
Trong những buổi tiệc này, có lẽ Bảo Đại đã dùng tiếng Pháp để nói chuyện và làm xiêu lòng cô thiếu nữ miền Nam dễ mến. Vị vua trẻ hầu như không còn để ý đến một bông hoa nào khác mà gia đình trước đó đã sắp đặt sẽ cưới làm vợ. Hơn nữa, chắc chắn trước ngày tới dự buổi dạ tiệc, vợ chồng cựu Khâm sứ Charles với vai trò ông tơ bà nguyệt cũng đã hỏi ý kiến và dặn dò Bảo Đại nhiều điều nữa mà không ai biết được. Vì vậy, khi Bảo Đại và Thị Lan vừa sánh đôi qua bản khiêu vũ, họ đã không rời nhau nửa bước mà chỉ ngồi tâm sự to nhỏ với nhau.
Dù bị triều đình phản đối, Bảo Đại vẫn quyết lấy Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ và phong cho nàng là Nam Phương hoàng hậu. |
Khi Bảo Đại về Huế, bà Từ Cung đã ngỏ ý về việc cưới vợ cho Bảo Đại, nói là đã chọn được một thiếu nữ gốc Huế, con một vị quan thượng thư trong triều là cô Bạch Yến. Nhưng Bảo Đại từ chối và xin được quyền tự chọn người làm vợ. Đó là cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, cháu ngoại của ông Huyện Sỹ.
Ai cũng biết, gia đình Huyện Sỹ là gia đình nổi tiếng giàu bậc nhất Việt Nam thời bấy giờ. Thế nhưng, bà Từ Cung và cụ Tôn Thất Hân đều không chấp nhận việc để Bảo Đại tự ý chọn vợ, bắt Bảo Đại phải chấp nhận lấy cô Bạch Yến mà Hoàng tộc cùng triều đình đã định sẵn. Nhưng Bảo Đại nhất quyết không chấp nhận sự xếp đặt này và nói: “Trẫm lấy vợ cho trẫm hay cho triều đình?” Vì Bảo Đại nói như vậy nên sau đó cả triều đình, từ bà Từ Cung đến các quan đại thần, phụ chính cũng đành im lặng để Bảo Đại toàn quyền quyết định chọn vợ.